Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn, ca múa nhạc đang đến gần hơn đối với công chúng. Tất cả các vùng sâu, vùng xa những nơi khát nghệ thuật đang dần phát triển.

Phải chọn đất dụng võ

Gặp Đoàn văn công Biển xanh, thuộc Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận thật tình cờ trong một chuyến lưu diễn tình nguyện. Trong sự tình cờ ấy, tôi đã được mở mang tầm mắt bởi các nghệ sĩ trẻ nơi đây đang tích cực cống hiến.

Bạn Nguyễn Trọng Bình, đang là Phó trưởng Đoàn văn công Biển xanh chia sẻ: “Chúng em không chọn thành phố sôi động để lập nghiệp mà hướng về nông thôn, những vùng dân tộc còn khó khăn. Ở Bình Thuận có 32 dân tộc anh em, văn hóa Chăm phát triển. Chúng em hướng phục vụ bà con ở những nơi đó. Nơi nào có “đất dụng võ” thì chúng em sẽ đến”. Bình cũng tâm sự, các diễn viên trong đoàn sống và diễn vì niềm đam mê. Bởi thế, dù có lúc điều kiện kinh tế thiếu thốn, hay trong các chuyến về cơ sở biểu diễn, gặp những trắc trở thì anh em trong đoàn cố gắng động viên nhau cùng khắc phục. Mấy năm nay, đoàn phát triển đi lên cùng với bề dày kinh nghiệm và chất lượng các tiết mục, chương trình.

Nghệ thuật đang dần đến với người dân hơn

Tiếp nối những chia sẻ của Bình, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận, kiêm Trưởng đoàn Văn công Biển xanh, bật mí: “Hiện nhà hát chúng tôi không phải lo lắng như nhiều nhà hát khác trong cả nước, không chỉ bởi chúng tôi được địa phương quan tâm, mà Bình Thuận đang phát triển du lịch. Chúng tôi cũng hoạt động sôi nổi, tiến sâu về vùng nông thôn biểu diễn phục vụ bà con. Nhờ các bạn trẻ có chất giọng tốt, năng động nên thường được mời tham gia các suất diễn và đã có thu nhập ổn định”.

Song, muốn được “dụng võ” thì nhà hát phải có những tiết mục được dàn dựng công phu, với nhiều thể loại dân gian, sự kiện , hiện đại của nghệ thuật Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Ông Hiệp cho biết thêm: “Nhà hát luôn chủ động về kế hoạch biểu diễn, với 2 đoàn nghệ thuật, được chia thành 4 nhóm diễn viên ca múa nhạc và bộ phận Ảo thuật; 1 Ban nhạc Flamenco và 1 Ban nhạc dân tộc với các nhạc cụ tranh, sáo, bầu, bhị, tơrưng, đinh bá… và các nhạc cụ của dân tộc Chăm”.

Tiền thân của nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận là Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải (tỉnh Thuận Hải gồm ba tỉnh: Bình Tuy, Bình Thuận và Ninh Thuận), sau đó thành Đoàn ca múa nhạc Bình Thuận và Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận. Đó là những giai đoạn trưởng thành và đi lên của một đơn vị nghệ thuật. Không chỉ là thành tích mà lớn hơn là truyền thống nối tiếp mang tính kế thừa, định hướng cho hoạt động nghệ thuật lấy dân làm gốc, lấy dân tộc làm bản sắc.

Nghệ thuật thể hiện Bản sắc dân tộc

Hiện nay nhà hát có 98 cán bộ nhân viên. Lực lượng diễn viên luôn được “thanh xuân hóa”, được đào tạo căn bản, có thể biểu diễn tốt nhiều hình thức, thể loại nghệ thuật ca múa nhạc. Nhà hát cũng đang gửi đào tạo 30 học sinh các bộ môn ca, múa, nhạc ở các trường nghệ thuật.

Chọn lựa những gương mặt

Một nhà hát muốn phát triển, không thể thiếu những gương mặt nổi trội. Tôi đã chứng kiến các bạn trẻ của Đoàn văn công Biển xanh làm việc với cường độ cao. Họ luôn cháy hết mình, thể hiện khát vọng được chia sẻ, đưa đến công chúng những tiết mục hấp dẫn nhất.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định vai trò của những người khơi lửa, những tài năng đa dạng, không chỉ hát, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, mà còn hoạt bát với vai trò làm người dẫn chương trình, giao lưu, có lúc lại như hoạt náo viên giúp sân khấu luôn có sức sống, không bị chùng xuống, và không nhạt. Đó là ca sĩ Nguyễn Trọng Bình, hai chị em ca sĩ trẻ Thúy An và Thúy Trang, hay ca sĩ Thanh Pháp…

Hơn 10 năm ca hát, ca sĩ Thanh Pháp – Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm (Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh), đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Thuở còn học sinh, Thanh Pháp đã tập những làn điệu dân ca Chăm. Anh tìm đến các nghệ nhân trống ghi-năng để học cách đánh trống và ghi chép lại những điệu tấu quen thuộc thường sử dụng trong các lễ hội của người Chăm.

5/5 - (1 bình chọn)