Trong mùa tuyển sinh 2018, trước thông tin có một số trường ĐH, CĐ trên cả nước tổ chức xét tuyển những môn học không có liên quan gì đến ngành học khiến cho không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tuyển sinh tỏ ra khá lo lắng.
>> Tại sao trường nghề vẫn đứng trước những khó khăn về tuyển sinh
>> Học quản lý văn hóa sau khi ra trường có dễ xin việc?
Sự mở rộng trong khâu xét tuyển của Bộ GD&ĐT hiện nay đang khiến cho những người làm công tác giáo dục tỏ ra lo lắng. Họ lo sợ rằng xét tuyển bằng tổ hợp éo le như vậy, khiến cho các em sinh viên khó có thể học tập tốt và hoàn thành được tiêu chuẩn đầu ra, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của trường.
Hiện nay, một số trường đã có thông báo xét tuyển ngành công nghệ sinh học bằng các tổ hợp không có môn sinh hay ngành công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm bằng tổ hợp không có môn hóa. Điều tưởng chừng như hoang tưởng này lại đang xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2018 này. Không những vậy, có những trường còn sử dụng tổ hợp môn “Văn – Sử – Địa”, “Văn – Sử – Giáo dục công dân” để xét tuyển các ngành thuộc khối tự nhiên như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ thuật…
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP HCM: Kiểu tuyển sinh như vậy được ví như là “vơ bèo vạt tép” tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Nếu cứ tiếp diễn tràn lan trong các năm tới thì không chỉ thí sinh là người chịu thiệt mà ngay bản thân các trường cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều.
“Theo tôi đánh giá thì đây là một hình thức lôi kéo thí sinh đến học tại trường bằng mọi giá bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Một khi sinh viên không được học những môn liên quan nhiều đến các kiến thức của bản thân, các em sẽ rất dễ chán học. Đồng thời, khi không theo được kiến thức nền, rất có thể sinh viên ấy sẽ không ra trường được”.
Cũng theo lời của Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhàn – Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng y dược Hà Nội, thì việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển mới một cách ồ ạt như vậy sẽ khiến cho các em thí sinh và các bậc phụ huynh cảm thấy rối rắm và có phần hoang mang về chất lượng đào tạo của trường. Từ trước đến nay, các trường vẫn làm tốt công tác tuyển sinh của mình với các tổ hợp truyền thống thì tại sao năm nay phải tiến hành thay đổi, không những thế mà còn thay đổi một cách khó hiểu như vậy.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhìn nhận, việc một số trường thông báo xét tuyển bằng tổ hợp lạ là điều rất đáng lo. Vì khi trúng tuyển vào trường, liệu rằng với vốn kiến thức trái ngành, trái nghề như vậy thì các em sinh viên có đủ năng lực để theo đuổi ngành học đó đến cùng cũng như có thể đảm bảo được các yêu cầu khắt khe theo chuẩn đầu ra hay không. Làm như vậy không khác gì đẩy các em sinh viên và cả người dạy vào tình thế khó xử.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng lý giải: “Điều đáng quan ngại ở đây là sau khi vào học thì các em sinh viên sẽ khó có thể theo kịp được chương trình đào tạo của ngành cũng như của trường. Dẫn tới tình trạng, các em sinh viên khó có thể hoàn thành được chương trình học một cách tốt nhất. Còn đối với các trường thì sẽ rất khó để cho các giảng viên thực hiện công tác đào tạo ứng với nhiều kiểu tư duy của sinh viên trong cùng một lớp.”.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học ban hành mới nhất thì các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Như vậy, về luật, các trường không sai khi tổ chức xét tuyển tổ hợp lạ vào trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì quy chế tuyển sinh có nêu rõ các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn đúng với yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Với những tổ hợp tuyển sinh quá bất thường, thì Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường phải có giải trình phù hợp. Nếu không thuyết phục, những trường này sẽ bị thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp…
Nguồn: Tổng Hợp.