Có thể nói, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một cái tên thuộc hàng kinh điển của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông được xem là linh hồn của nền mỹ thuật hiện đại. Dưới đây, bài viết xin chia sẻ tiểu sử và một số nét độc đáo về phong cách nghệ thuật của Bùi Xuân Phái.
Mục Lục
1. Đôi nét về tiểu sử họa sĩ Bùi Xuân Phái
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại Hà Nội, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông, một làng nổi tiếng với tranh khắc gỗ dân gian Kim Hoàng.
Ông xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu nhà ở phố Hàng Thiếc, sau chuyển về 87 Hàng Bút nay gọi là phố Thuốc Bắc. Vì thế mà ông đã thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường Hà Nội.
Thủa nhỏ, Bùi Xuân Phái học Trường Trí Tri ở phố Hàng Quạt. Ông có năng khiếu về môn văn, và rất thích vẽ. ở tuổi học sinh ông đã được báo “Cậu ấm Cô chiêu” đặt vẽ tranh vui thường kỳ…
Họa sĩ Bùi Xuân Phái- hiện tượng độc đáo của nền mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ qua đời năm 1988 bởi căn bệnh ung thư phổi. Sinh thời, ông được xem là người mang đậm phong cách của người Hà Nội. Những bức chân dung Bùi Xuân Phái còn lại hiện nay cho thấy, đó là một người đàn ông có gương mặt gầy gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét quý phái.
Kể từ đó, nền nghệ thuật Việt Nam thiếu đi một tên tuổi. Song không thể thiếu đi những tác phẩm vào loại đẹp nhất, phản ánh sâu xa nhất tinh thần dân tộc Việt – những phố cổ, chèo, chân dung…. Đó là những tác phẩm của một thời, một thủa, vừa mới gần đây mà như đã rất xa và có lẽ sẽ không quay lại được.
2. “Phố Phái”- nét đặc trưng trong phong cách của họa sĩ Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng được tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương trước khi trường bị tạm thời đóng cửa vào năm 1945. Cùng thời với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, và Dương Bích Liên, được gọi là “Tứ Kiệt” có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Bùi Xuân Phái viết “Phong cách là một sự chân thành. Người thế nào thì phong cách thế ấy. Vì vậy bắt chước một phong cách nào đó thì dở. Cái nhìn của mình chứ không phải cái nhìn đi mượn!” . Bùi Xuân Phái hiểu rất rõ về chủ đề nghệ thuật của mình. Chỉ với một vài nét chấm phá, ông đã thể hiện được cái cốt lỗi thâm sâu, tinh chất của những đề tài ấy.
Tuy đã rất thành công với các chủ đề như chân dung, phong cảnh miền núi, khoả thân và Chèo, nhưng mảng đề tài Phố Cổ Hà Nội của ông được đánh giá là thành công nhất. Dòng tranh này được quần chúng mến mộ gọi là “Phố Phái”.
Xem thêm
- “Điểm danh” những họa sĩ nổi tiếng của làng hội họa Việt Nam
- Vẽ minh họa là gì? Làm thế nào để trở thành họa sĩ vẽ tranh minh họa
Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70. Những mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của Phái, người xem như cảm nhận được những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
Bùi Xuân Phái không nói về những điều ông không hiểu thấu đáo, không vẽ những điều ông chưa nhìn thấy sự thật. Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên Phố Phái thì nhiều không ai đếm được. Nó tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố đổi thay bao nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình Phố Phái vẫn là nơi chứa chan nhiều cảm xúc
Mặc dù phong cách của Bùi Xuân Phái phảng phất tính chất những hình ảnh nghệ thuật của trường phái Paris, nhưng cảm xúc nghệ thuật rõ ràng là của người Việt Nam. Khi được xem những tác phẩm, không chỉ người Việt Nam mà luôn cả người nước ngoài đều rung động với tâm tư và xúc cảm thầm kín của Bùi Xuân Phái. Sự quyến rũ này, cùng với sự chân thành của Bùi Xuân Phái đã cho chúng ta thấy được những tuyệt phẩm của ông rất Việt Nam.
Trên đây là một số thông tin về tiểu sử và nét đặc trưng trong tranh vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bài viết hi vọng đã đem đến chia sẻ hữu ích cho bạn đọc.