Họa sĩ Lê Linh sinh năm bao nhiêu? Ông có những tác phẩm gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.
Mục Lục
Thông tin về họa sĩ Lê Linh
Lê Linh tên đầy đủ là Lê Phong Linh, sinh năm 1974, ông vừa là một kiến trúc sư, vừa là họa sĩ truyện tranh Việt Nam, tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt.
Năm 2002, Lê Linh được Công ty Phan Thị mời về làm họa sĩ truyện tranh. Dựa theo gợi ý của bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị về một bộ truyện tranh có bối cảnh lịch sử thời Lê sơ, ông đã phác họa lên hình tượng các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo,… Tập truyện đầu tiên của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt được họa sĩ ông sáng tác và phát hành vào tháng 2 cùng năm.
Sau khi nộp đơn đăng ký bản quyền, tháng 5 năm 2002, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về ông và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản thuộc về Công ty Phan Thị.
Năm 2006, do mâu thuẫn về việc sử dụng hình ảnh các nhân vật trong Thần đồng đất Việt, ông rời công ty Phan Thị. Công ty Phan Thị tiếp tục thuê người vẽ Thần đồng đất Việt mà không đề tên tác giả, họa sĩ.
Xem thêm: Họa sĩ Trần Văn Cẩn
Cùng tháng, Lê Linh được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả đồng thời là chủ sở hữu bộ truyện tranh mới mang tên Long Thánh, với nhân vật chính là Long Tinh. Ngày 10 tháng 5 năm 2008 tập đầu của bộ truyện xuất bản, nhưng ngay sau đó Phan Thị gửi đơn kiện do vi phạm quyền tác giả do “sử dụng hình ảnh Trạng Tí mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả”. Bộ truyện Long Thánh vì thế phải đình bản và dù Tòa án mới trong giai đoạn sơ thẩm nhưng các ấn bản Long Thánh bị kê biên.
Vụ tranh chấp quyền tác giả tác phẩm “Thần đồng đất Việt”
Sáng 18/2/2019 Tòa án nhân dân Q.1, TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”.
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có thẩm phán Nguyễn Quang Huynh và hai hội thẩm nhân dân là Trần Văn Mẫn và Đinh Thị Ngọc Châu. Đại diện Viện KSND Q.1 có bà Trần Lệ Thủy. Bên nguyên đơn có họa sĩ Lê Linh và luật sư Trương Thị Thu Hồng. Bên bị đơn là bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Công ty Phan Thị, và luật sư Nguyễn Vân Nam.
Bảo vệ cho thân chủ tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bên nguyên khẳng định rằng nguyên đơn họa sĩ Lê Linh đã trực tiếp sáng tạo ra 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt từ khi phác thảo cho đến khi hoàn thiện đi đăng ký bản quyền tác giả, để từ đó làm các biến thể khác trong các tập truyện. Chứng cứ là các bản phác thảo gốc, trên trang bìa của các tập truyện từ tập 1 – 78 đều ghi nhận công sức của họa sĩ. Đặc biệt ở tập 37, Lê Linh còn được giới thiệu là tác giả đã sáng tác bộ truyện tranh.
Xem thêm: Họa sĩ nguyễn Gia Trí
Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng nguyên đơn không trực tiếp sáng tạo tác phẩm, vì bà Hạnh đã kể những lời thoại của các nhân vật trong từng tập truyện, cả cách phân đoạn, phân ý cho phù hợp với hoạt động của hình vẽ theo khung hình. Ông Linh chỉ là sắp xếp các lời thoại của nhân vật vào vị trí thích hợp trong khuôn hình ở từng trang sách. Tòa cho rằng luận cứ bị đơn nêu ra là không có cơ sở.
Trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 Thần đồng đất Việt, đã ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh. Trong quá trình xuất bản bộ truyện, Công ty Phan Thị xác định Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này và là tác giả của bộ truyện, không có nội dung nào thể hiện ông Lê Linh và bà Hạnh là đồng tác giả. Tên ông Linh đã được ghi trên bìa sách với tư cách tác giả, ở các tập đã xuất bản từ 1 – 78, và ông Linh đã được Công ty Phan Thị trả nhuận bút đầy đủ theo quy định.
Từ những nhận định trên, HĐXX công nhận Lê Linh chính là tác giả duy nhất của tập truyện Thần đồng đất Việt, không công nhận bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả; buộc công ty Phan Thị phải chấm dứt các hoạt động sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau và công ty Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên hai tờ báo: Thanh Niên và Tuổi Trẻ, đồng thời yêu cầu công ty Phan Thị phải thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư của ông Lê Linh.